Wednesday, October 7, 2020

Nước Mỹ vĩ đại: Bài 3 - Trong thảm họa, tỏa sáng một tinh thần Mỹ

 

Hiến pháp Mỹ dù được thiết kế hoàn hảo đến đâu, con người vẫn là yếu tố quyết định tạo nên sức mạnh của nước Mỹ. Sự kiện 11/9 là thảm họa khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ, nhưng nó cũng khiến cả thế giới được chứng kiến sức mạnh của nước Mỹ - sức mạnh vĩ đại của Tinh thần và Đạo đức.

Những kẻ khủng bố tin rằng, chúng đã phá hủy được sức mạnh của nước Mỹ. Nhưng họ đã nhầm: Chính vụ tấn công nước Mỹ của chúng đã giúp thức tỉnh toàn thể sức mạnh của đất nước vĩ đại này… Khi thảm họa ập đến, thân thể có thể bị gục ngã, nhưng tinh thần của người Mỹ vẫn khởi lên vững chãi. Người ta nói rằng, trái tim nước Mỹ thuộc về sức mạnh của Đức tin, của sự Quyết Tâm và khả năng Phục Hồi của chính người Mỹ. Đó là thông điệp của lòng dũng cảm, vị tha và chủ nghĩa anh hùng.

Hồi sinh chủ nghĩa anh hùng

Sự kiện 11/9 là một loạt bốn vụ tấn công khủng bố có mục tiêu do nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan al-Qaeda chống lại nước Mỹ vào sáng thứ Ba, ngày 11/9/2001.  

Vụ tấn công làm 2.996 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương và gây tổn thất cho nước Mỹ khoảng 3.000 tỉ đôla. Đó là vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, và là thảm họa gây thiệt hại về người lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, trong đó có 343 lính cứu hỏa và 72 sĩ quan hành pháp đã hy sinh.

Cuộc tấn công khủng bố mở màn vào lúc 8h46 phút khi chiếc máy bay mang số hiệu 11 của Hãng hàng không American Airlines lao vào tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York. Trong tình thế vô cùng nguy cấp ấy, có một điều kỳ lạ đã diễn ra. Bất chấp khói lửa và các mảng tường có nguy cơ đổ sập, hàng nghìn người thông qua lối thoát hiểm để chạy thoát ra ngoài trong tình trạng trật tự.


Khoảnh khắc kinh hoàng khi tòa tháp đôi thương mại bị tấn công vào ngày 11/09/2001. (Ảnh: Getty)

Trong khi hàng đoàn người vội vã lao xuống, thì từng tốp lính cứu hỏa dũng cảm hối hả xông lên. Trong ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, hai bên vẫn nhường đường cho nhau, không ai xô đẩy ai. Khi có phụ nữ, trẻ em, người già đi tới, mọi người tự giác nhường lối đi cho họ, thậm chí một chú chó cũng được nhường cho lối đi.

Sự dũng cảm của những con người vô danh, của lực lượng an ninh, cảnh sát và những người lính cứu hỏa thuộc Sở Cứu hỏa New York đã được đền đáp, khi trong biến cố hỗn loạn ấy, đã có rất nhiều người được cứu thoát. Ước tính vào ngày 11/9 hôm ấy, có khoảng 50.000 người làm việc trong hai tòa tháp đôi, và cùng với số khách tham quan tòa nhà, ước chừng vào thời điểm xảy ra bi kịch ấy, đã có khoảng 140.000 người. 


Những người bên trong đang cố gắng chạy ra khỏi tòa nhà. (Ảnh: Getty)

Hy sinh mạng sống của mình vì cộng đồng

Nổi lên trong số những người anh hùng của nước Mỹ ngày hôm ấy, chính là Rick Rescorla - Giám đốc An ninh của Tập đoàn Tài chính Morgan Stanley. Tập đoàn này sở hữu khối văn phòng từ tầng 44 đến tầng 74 tại tòa tháp 2 với 2.700 nhân viên làm việc vào thời điểm đó. Khi chiếc máy bay đầu tiên tấn công vào tòa tháp 1, Rick Rescorla đang ngồi trong văn phòng ở tầng 44 của tòa tháp 2. 

Khi nhận được cú điện thoại từ tầng 71 báo cáo về một “quả cầu lửa” tại Tòa tháp 1, Rick Rescorla đã ra lệnh cho tất cả 2.700 nhân viên Morgan Stanley trong Tòa tháp 2 sơ tán khẩn cấp. Không những vậy, Rick Rescorla còn ra lệnh sơ tán khẩn cấp 1.000 nhân viên Morgan Stanley ở Tòa nhà Five có trụ sở cách Tòa tháp đôi khoảng 500m. Với chiếc loa cầm tay, Rick Rescorla hướng dẫn hàng nghìn người di chuyển thoát hiểm bằng hai cầu thang bộ một cách thành thục, trật tự và kỷ luật giống như họ đã được ông hướng dẫn thực hành nhiều lần trước đó. 

17 phút sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp 1, vào lúc 9h07 phút, những kẻ không tặc khác đã lái chiếc máy bay số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào mặt phía nam của Tòa tháp 2. Cả tòa nhà rung lắc dữ dội, khói lửa ngùn ngụt bủa vây và từng mảng kính cửa sổ, bê tông “rụng” lả tả dưới tác động kinh hoàng bởi cú đâm chí mạng ấy. Qua camera an ninh, một nhân chứng đã nhìn thấy Rescorla trấn an hàng nghìn người đang lo sợ, cùng lúc ông phải đối phó với “nút thắt cổ chai” tại hành lang tầng 44.

Trong hoàn cảnh vô cùng căng thẳng ấy, Rescorla bắt đầu hát vang bài God Bless America (Cầu Chúa phù hộ cho nước Mỹ), và hướng dẫn từng tốp người trật tự vào cầu thang máy. Cả ngàn con người cùng cất tiếng hát theo Rick Rescorla với sự bình tĩnh hiếm thấy. 

Khi cả nghìn con người ấy tiếp mặt đất an toàn, Rescorla đã từ chối ở lại cùng họ và quay trở lại tòa tháp, lao ngược lên tầng 50 giúp sơ tán những nhóm người còn sót lại và đưa họ đi xuống. John Olson, Giám đốc khu vực Morgan Stanley đã thấy Rescorla đang trấn an các đồng nghiệp ở cầu thang tầng 10. Với tư cách là sếp của Tập đoàn, John Olson yêu cầu Rescorla thoát ra ngoài, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: "Ngay sau khi tôi đảm bảo rằng mọi người khác đã ra ngoài hết". 

Bob Sloss, Giám đốc điều hành Morgan Stanley ngồi ở tầng 66 là người duy nhất không sơ tán theo lệnh của Rescorla ngay khi chiếc máy bay tấn công tòa tháp 1. Khi đi xuống tầng 10,  Bob Sloss đã gặp Rescorla trong bộ dạng mệt mỏi, nhễ nhại mồ hôi. Một lần nữa, Rescorla cũng từ chối yêu cầu đi cùng Bob Sloss với lý do sẽ cố gắng ở lại tìm kiếm thêm người bị kẹt. "Thể xác anh ấy mệt mỏi, nhưng tinh thần thì không bị ảnh hưởng chút nào. Anh ấy đã đặt cuộc sống của mọi người lên trước cả sinh mệnh của chính mình", Sloss phát biểu.

Bức ảnh quý giá ghi lại một trong những khoảnh khắc cuối cùng của Rick Rescorla lúc ở tầng 10

Stephan Newhouse, Chủ tịch Tập đoàn Morgan Stanley International đã kể lại rằng, Rescorla đã được trông thấy lần cuối cùng tại tầng 72, nơi anh trấn an mọi người giữ bình tĩnh, đẩy nhanh tốc độ di chuyển và gọi điện thoại di động liên tục để kiểm tra xem còn ai bị bỏ sót. 

Có những thời điểm Rescorla kiệt sức đến mức bị lùi lại phía sau, nhưng ông vẫn không ngừng hướng dẫn qua loa để mọi người di chuyển tới cửa thoát hiểm một cách chính xác. Các quan chức của Tập đoàn Morgan Stanley cũng xác nhận cú gọi cuối cùng của Rescorla về Tổng hành dinh ngay trước khi tòa tháp 2 sụp đổ, vẫn chỉ để từ chối việc thoát ra ngoài và ở lại tòa tháp để tìm kiếm thêm người mất tích. 

Ngay trước khi tòa tháp 2 sụp đổ, Rescorla đã gọi điện thoại cho vợ là Susan và an ủi cô: “Đừng khóc nữa. Anh phải đưa những người này ra ngoài một cách an toàn. Nếu có chuyện gì xảy ra với anh, anh muốn em biết rằng chưa bao giờ anh hạnh phúc như thế, với những gì em đã làm cho cuộc sống của anh”. 

Là một cựu chiến binh, Rick Rescorla sẽ không bao giờ để rớt bất cứ ai phía sau, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc nguy hiểm tới mạng sống của chính mình. Một trong những thư ký của Tập đoàn Morgan Stanley đã chụp được bức ảnh Rescorla với cái loa trong tay đang hướng dẫn mọi người thoát hiểm. Đây cũng là hình ảnh cuối cùng của người anh hùng 62 tuổi đã hy sinh mạng sống của mình vì người khác trong ngày đen tối của nước Mỹ. 

 


Rick Rescola, Jorge Velazquez và Godwin Forde, ba anh hùng dẫn đầu cuộc sơ tán khẩn cấp 2.700 nhân viên cùng những người khác trong tòa tháp 2 trước khi nó sụp đổ vào lúc 9h59 phút sau 56 phút bị hun trong hỏa ngục.

Khi tòa tháp 2 sụp đổ, Tập đoàn Tài chính Morgan Stanley chỉ mất có 6 người trong tổng số 2.700 nhân viên. Một kỳ tích không thể tin nổi. 6 nhân viên trong đó có Rick Rescorla không bao giờ được tìm thấy xác. 

Rick Rescorla đã trở thành biểu tượng cho Tinh thần Mỹ trong thảm họa. Nếu tinh thần của một dân tộc không mạnh mẽ và cao thượng đến như thế thì họ tuyệt nhiên không thể làm được những việc phi thường ấy. Đối diện với hiểm nguy, Rick Rescorla vẫn điềm tĩnh không màng tới sinh tử để cứu mạng những đồng nghiệp và cả những người không hề quen biết.


Tổng thống Donald Trump trao tặng Huân chương cho ông Rick Rescorla vào ngày 07/11/2019. Trong ảnh, người nhận huân chương là góa phụ của ông - bà Susan Rescorla. (Ảnh: Getty)

Đối diện với định mệnh

Ngày 11/9 hôm ấy cũng là một buổi sáng đẹp trời cho chuyến bay United 93 cất cánh từ sân bay quốc tế Newark đến San Francisco với chặng bay dài 6 tiếng. Nhưng thay vào đó, chiếc máy bay đã có một lộ trình kỳ quặc, lúc rẽ trái về phía Cleveland, lúc quay ngoắt về hướng nam, rồi ngoặt sang phía đông… và cuối cùng thẳng tiến tới Washington DC. 

Đã có tổng cộng 26 cuộc gọi được hành khách thực hiện thông qua hệ thống điện đàm trên máy bay, cùng rất nhiều cuộc gọi qua điện thoại di động, trong đó có 10 hành khách và 2 thành viên phi hành đoàn đã thực hiện thành công các cuộc gọi ngay sau khi máy bay bị nhóm khủng bố chiếm giữ. Những cuộc gọi này đã giúp các nhà điều tra hình dung bức tranh chi tiết dù chưa hoàn chỉnh về những gì đã xảy ra trong chuyến bay ấy...


Cúi thấp đầu sau hàng ghế tránh ánh mắt sắc lạnh của kẻ khủng bố, tiếp viên hàng không Sandra Bradshaw đã thực hiện cuộc gọi khó khăn nhất trong cuộc đời mình cho người chồng, thông báo United 93 đã bị không tặc khống chế. Từ đây, cô đã biết được rằng United 93 đã trở thành chiếc máy bay thứ tư bị nhóm khủng bố tấn công. 

Ngồi ngay sau cô là Todd Beamer, 32 tuổi, Giám đốc Quản lý Tài chính đã quyết định không gọi cho người vợ đang mang thai của mình, vì anh không muốn cô phải lo lắng. Thay vào đó, anh gọi qua hệ thống tổng đài GTE-Verizon, và cuộc gọi được tự động chuyển đến cho điện thoại viên Lisa Jefferson. 

Trong các cuộc gọi đứt đoạn kéo dài khoảng 15 phút với Lisa, Todd Beamer đã cung cấp khá nhiều tình tiết diễn biến trên máy bay, khi thông báo có một hành khách bị đâm chết, một phi công và một tiếp viên bị thương nặng. Lisa Jefferson nhớ lại rằng, dù trong tình huống nguy hiểm như vậy, quý ông gọi điện cho cô rất bình tĩnh với giọng nói vô cùng nhẹ nhàng. 

Các cuộc gọi của Todd Beamer và Sandra Bradshaw chỉ là hai trong số nhiều cuộc gọi được thực hiện bởi phi hành đoàn và hành khách khi chiếc máy bay bị không tặc chiếm quyền điều khiển.

Lần ngược trở lại khoảng thời gian định mệnh, khi United 93 cất cánh vút bay lúc 8h42 phút, nó nhanh chóng đạt độ cao gần 10.000m mà hề không hề biết rằng vào thời điểm đó, ba chuyến bay khác đã bị không tặc tấn công và gây ra chuỗi thảm kịch kinh hoàng chưa từng có dưới mặt đất. Trong buồng lái, cơ trưởng Jason Dahl (43 tuổi) và cơ phó Leroy Homer (36 tuổi) đã nhận được cảnh báo nguy cơ đột nhập buồng lái từ Đài Kiểm soát không lưu ở Chicago. Lúc 9h15 phút, cơ trưởng Jason Dahl trả lời: "Đã xác nhận”, và đây cũng là liên lạc cuối cùng của cơ trưởng với mặt đất. 

Vào khoảng 9h28 phút, 4 kẻ khủng bố - tất cả đều ở độ tuổi 20 - đã thâm nhập thành công vào buồng lái. Trạm Kiểm soát không lưu ở Cleveland tình cờ nghe được một số tiếng thét của phi công từ buồng lái. 40 giây sau, nhiều tiếng la hét nữa đã được ghi âm từ buồng lái truyền xuống mặt đất. Màn hình radar cho thấy những kẻ không tặc đã quay ngược hướng bay 180 độ, và đích đến dường như là Washington DC. 

Thông điệp trong sự hỗn loạn

Hầu hết các cuộc gọi của hành khách được thực hiện trong khoảng 20 phút trước khi United 93 nổ tung, đã giúp chúng ta biết được câu chuyện phi thường về những con người quả cảm, đã quyết định tấn công những kẻ khủng bố, khi họ biết rằng ba chiếc máy bay khác đã được sử dụng làm “tên lửa dẫn đường” để tấn công nước Mỹ. 

Hành khách Thomas Burnett Jnr, 38 tuổi, Phó Chủ tịch cấp cao của một công ty nghiên cứu y khoa đã gọi cho vợ 4 lần. Sau khi được thông báo có vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới, Thomas Burnett Jnr đã nói: Anh biết tất cả bọn anh sẽ chết. Bọn anh sẽ phải làm điều gì đó, em yêu”. 

Hành khách Jeremy Glick, 31 tuổi, quản lý bán hàng online và là cựu vô địch Judo đã gọi điện cho vợ là Lyz một cách khá bình tĩnh khi mô tả về những kẻ không tặc. Vợ anh đã thiết lập đường dây kết nối ba chiều giữa họ và cảnh sát. Những chi tiết mà Glick báo về đã giúp các nhà điều tra đẩy nhanh quá trình tìm ra danh tính thủ phạm. 

Khi Jeremy Glick kết nối với mặt đất, anh đã nhận ra một thực tế nghiệt ngã: Những hành khách như anh không phải là con tin của nhóm khủng bố, mà là một phần của “quả tên lửa dẫn đường” sắp nhằm vào một mục tiêu dưới mặt đất. Glick bắt đầu xây dựng một kế hoạch táo bạo với hai hành khách khác, mà sau này các nhà điều tra đã xác định được là Tom Burnett và Mark Bingham. Cả ba đều cao trên 1,8m, khỏe mạnh và phù hợp để thực hiện kế hoạch mạo hiểm. 

Cuộc gọi cuối cùng của Jeremy Glick thông báo với vợ là: “Anh sẽ đi bỏ phiếu, và bọn anh đang nghĩ đến việc tấn công kẻ mang bom”. Điều đáng kinh ngạc là trong tình thế vô cùng ngặt nghèo ấy, họ vẫn làm một việc rất phi thường: Bỏ phiếu để thông qua quyết định chiến đấu với nhóm không tặc. Vào thời khắc sinh tử như thế, mỗi thành viên trên máy bay đều không áp đặt ý chí của mình lên người khác. Họ nhanh chóng đi tới quyết định quyết tử với những kẻ khủng bố, và thông báo cho nhiều người dưới mặt đất về kế hoạch phản công. 

Những lời cuối cùng mà họ truyền xuống mặt đất cho người thân, bạn bè và các nhà chức trách đều thể hiện một tâm thế vô cùng điềm tĩnh - điều mà hiếm dân tộc nào có thể làm được trong hoàn cảnh như vậy.

Tiếp viên hàng không Sandy Bradshaw đã gọi cho chồng giải thích rằng cô đang vào khu vực bếp để lấy bình đựng nước sôi. Những lời cuối cùng của cô với chồng là: “Mọi người đều chạy đến khoang hạng nhất rồi. Em đi đây. Tạm biệt."

Trong cuộc gọi cuối cùng về nhà trước lúc 10h sáng, Tom Burnett đã nói với vợ rằng: "Nếu chúng định đâm máy bay xuống đất, bọn anh phải làm một điều gì đó. Chúng ta không thể đợi chính phủ. Chúng ta phải làm gì đó ngay bây giờ." 

Vào thời điểm ấy, tất cả các hành khách trên United 93 đều không hề biết rằng, có một phi đội 3 chiếc tiêm kích F-16 xuất phát từ Căn cứ Không quân Langley ở Hampton, đã nhận được mệnh lệnh bảo vệ “quyền chỉ huy quốc gia” tại thủ đô Washington khỏi bất kỳ một cuộc tấn công nào. 

Điều đó có nghĩa là các phi công sẽ buộc phải bắn hạ bất cứ chiếc máy bay nào từ chối tuân theo các lời cảnh báo. Đối với những phi công thực hiện nhiệm vụ trên 3 chiếc F-16 ngày hôm ấy, đó là một viễn cảnh thật u ám. Vì mục tiêu mà họ đang theo sát chính là chiếc United 93, với lộ trình bay bất thường hướng tới Washington D.C,  và trên đó có 4 phần tử khủng bố. 

Khoảng 9h50 phút, Todd Beamer đã gọi cho điện thoại viên Lisa Jefferson thông báo: “Có thể tôi sẽ chết và chúng tôi phải làm điều gì đó để ngăn chặn máy bay đạt được mục tiêu dự định của nó”. Trong những giây phút liên lạc cuối cùng giữa họ, Todd Beamer đã đề nghị Lisa cùng anh trì tụng Lời Cầu Nguyện Chúa, và nhờ Lisa chuyển lời nhắn tới vợ con của anh rằng, anh yêu họ nhiều tới mức nào.

Rồi Todd Beamer gác điện thoại nhưng vẫn để kết nối, cho phép Lisa Jefferson theo dõi được diễn biến trên máy bay. Lời cuối cùng của Todd Beamer mà Lisa nghe thấy được là: “Are you ready? Let’s roll" (tạm dịch: Các bạn đã sẵn sàng chưa? Bắt tay vào việc thôi).

Vào lúc 9h57 phút, hành khách và phi hành đoàn trên United 93 bắt đầu phản công. Trong những giây định mệnh cuối cùng, United 93 được nhìn thấy bay trong trạng thái lạ thường - chòng chành, lắc lư và chổng ngược - trước khi đâm sầm xuống mặt đất.  

6 phút sau, vào lúc 10h03 phút, một quả cầu lửa bùng lên khi chiếc máy bay mang theo 7.000 gallon nhiên liệu đâm xuống cánh đồng Shanksville (Pennsylvania), thiêu đốt hàng trăm mẫu đất và cây cỏ xung quanh trong suốt nhiều giờ liền. Với vận tốc va chạm lên tới 933 km/h, United 93 đã khoét một hố sâu tới 35m khi nó “tiếp đất”. Không một ai trên máy bay sống sót.



Với vận tốc va chạm lên tới 933 km/h, United 93 đã khoét một hố sâu tới 35m khi nó “tiếp đất”. Không một ai trên máy bay sống sót. (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Tỏa sáng một Tinh thần Mỹ

Todd Beamer qua đời khi anh dẫn dắt mọi người trên máy bay cố gắng giành lấy buồng lái từ những tên không tặc. Hành động can đảm của anh đã không cứu được mạng sống của anh cũng như các hành khách khác, nhưng đã giúp ngăn cản những kẻ khủng bố đạt được mục tiêu mà chúng đang nhằm hướng tới: Có thể là Nhà Trắng, Tòa nhà Quốc hội Mỹ hoặc Trại David.

Let’s roll! (Bắt tay vào việc thôi)  - câu nói cuối cùng của Todd Beamer đã trở thành câu nói nổi tiếng nhất nước Mỹ khi ấy. Let’s roll cũng trở thành câu chuyện tiêu biểu về Tinh thần Mỹ - một thông điệp đẹp đẽ giàu tính nhân văn, lòng quả cảm và đức tin khi đối mặt với bi kịch khủng khiếp. Let’s roll cũng tiếp thêm sự can đảm cho một quốc gia đang trong thời điểm khó khăn nhất, là cú hích khiến nước Mỹ bừng tỉnh đứng dậy mạnh mẽ sau cú choáng váng vì những mất mát tang thương quá lớn. 

Todd Beamer trở thành một trong ba cá nhân được ngưỡng mộ nhất nước Mỹ trong thảm kịch 11/9, và đại diện cho biểu tượng của sức mạnh quốc gia khi đối mặt với khủng hoảng. Sau này người ta biết thêm rằng, người anh hùng 32 tuổi ấy được nuôi dưỡng trong một gia đình thấm nhuần những giá trị Kinh thánh, nơi mà lòng trung thành, niềm tin vào Thiên Chúa và sự giáo dục toàn vẹn về đạo đức con người luôn được đề cao. Vào mỗi buổi sớm mai trước khi các con đi học, mẹ của Todd Beamer thường đọc cho các con của bà nghe một chương trong Kinh thánh...

Sáng ngày 11/9/2001, cuộc tấn công khủng bố nguy hiểm nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đã diễn ra khi 4 máy bay dân dụng đã bị các thành viên của nhóm Hồi giáo cực đoan al-Qaeda chiếm quyền điều khiển. 

Hai máy bay đầu tiên mang số hiệu 11 của Hãng hàng không American Airlines và số hiệu 175 của hãng United Airlines đã đâm vào hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Chiếc máy bay thứ ba số hiệu 77 của hãng American Airlines từ Washington đi Los Angeles đã bị không tặc khống chế và bay ngược trở lại tấn công Lầu Năm Góc. 

Chiếc máy bay thứ tư - chuyến bay số hiệu 93 của hãng United Airlines đã rơi xuống một cánh đồng hoang ở Pennsylvania, mà không bao giờ đạt được mục tiêu theo dự định của bọn khủng bố bởi sự kiên cường và lòng quả cảm của phi hành đoàn và hành khách.

Gần 3.000 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 11/9, và con số chắc chắn sẽ cao hơn nhiều nếu không phải vì hành động quên mình của những người con ưu tú của nước Mỹ.

Xuân Trường

(ntdvn.com)


No comments:

Post a Comment