Wednesday, October 7, 2020

Nước Mỹ vĩ đại: Bài 4 - Sự nhân ái đã thay đổi số phận của nhiều người

Sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, chính phủ Mỹ đã ban hành một sắc lệnh áp đặt lên những người Mỹ gốc Nhật đang sinh sống tại quốc gia này, điều đó khiến nhiều người phải bỏ lại tài sản để đến các trại tập trung. Nhưng cũng nhờ nó, một 'nhân cách Mỹ' đã toát lên làm thay đổi số phận của nhiều người. (Ảnh: Getty)

**

Câu chuyện về một người đàn ông đã dám từ bỏ công việc của một thanh tra nông nghiệp để trở thành người hùng chở che cho những người hàng xóm của ông gặp hoạn nạn vào thời loạn ly trong Thế chiến...

Sắc lệnh thời chiến

8 giờ sáng ngày 7/12/1941, Nhật Bản bất ngờ tấn công phủ đầu căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng trên đảo Oahu (Hawaii) khiến hơn 2.400 lính Mỹ tử trận cùng nhiều tàu chiến và máy bay bị phá hủy. Một ngày sau, ngày 8/12/1941, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã gọi đó là ngày Ô nhục và đọc Tuyên cáo chiến tranh, chính thức công bố Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật Bản.

   Tuy nhiên, cuộc tấn công Trân Châu Cảng chỉ là cú mở màn cho một chiến dịch quân sự trải dài trên khắp Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Nhật Bản. Trong những tuần sau đó, Nhật Bản đã tấn công và đánh chiếm Philippines, Thái Lan, Myanmar, Singapore, Hong Kong, Malaya (một phần của Malaysia ngày nay), Đông Ấn Hà Lan (một phần của Indonesia ngày nay) và lãnh thổ Mỹ như đảo Guam, đảo Wake. 

Với khí thế ngùn ngụt khi ấy, liệu Úc và cả Bờ Tây của Hoa Kỳ có phải là mục tiêu tiếp theo của đế chế Nhật? Với phần lớn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã bị suy yếu hoặc bị vô hiệu hóa sau trận Trân Châu Cảng, viễn cảnh người Nhật tập kích miền Tây duyên hải Hoa Kỳ là một khả năng rất thực tế và khá đáng sợ đối với người Mỹ khi ấy.

Do lo ngại trong số những kiều dân Nhật Bản đang sinh sống tại Mỹ ẩn chứa nguy cơ làm “gián điệp và phá hoại”, ngày 19/2/1942, Tổng thống Roosevelt ký ban hành sắc lệnh số 9066 ngăn cấm các công dân Mỹ gốc Nhật không được sinh sống ở một số khu vực “quân sự trọng yếu” đối với an ninh quốc gia. 

Toàn bộ người Mỹ gốc Nhật (thuộc thế hệ di dân thứ nhất không có quốc tịch Mỹ cũng như có hai quốc tịch) cư ngụ dọc bờ biển phía Tây Hoa Kỳ (gồm các bang California, Washington, Oregon cho đến phía nam bang Arizona) đều phải di dời khỏi nơi cư trú để vào sinh sống trong các khu tập trung do chính phủ lập ra cho đến khi nào chiến tranh kết thúc. Kết quả của sắc lệnh này là hơn 110.000 người nhập cư Nhật Bản và công dân Mỹ gốc Nhật bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, tài sản… để đến các trại tập trung. 



Một tàu chiến của Mỹ bị nổ tung trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1941 khiến hơn 2400 lính Mỹ thiệt mạng. (Ảnh: Getty)

Từ viên công chức trở thành người nông dân thực thụ

Lệnh cưỡng chế này được phổ biến tới toàn bộ công chúng Mỹ, nhưng có một người đàn ông Mỹ tên là Bob Fletcher sinh sống ở Thung lũng Trung tâm - khu vực nông nghiệp hàng đầu của bang California cảm thấy trái tim mình như bị bóp nghẹt. Bob Fletcher khi ấy 33 tuổi, là một thanh tra nông nghiệp tiểu bang quen khá nhiều nông dân người Mỹ gốc Nhật. Anh hiểu rằng, nếu họ bị giữ lại trong các khu trại tập trung thì họ sẽ có nguy cơ mất tất cả mọi thứ.  

Những tờ thông báo dán ở các cột điện thoại ở thị trấn Florin (hạt Sacramento) yêu cầu người Mỹ gốc Nhật phải nhanh chóng tập trung ở nhà ga Elk Grove để đưa đến các trại tập trung. Nhiều gia đình gốc Nhật đã canh tác ở khu vực này từ những năm 1890 không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ trang trại của họ. 

Một trong những nông dân tên là Al Tsukamoto đã tìm đến Bob Fletcher, người đã giành được lòng tin của cộng đồng nông nghiệp vì tính cẩn thận và sự tử tế của mình. Tsukamoto nói với Bob Fletcher rằng, anh có thể giữ tất cả lợi nhuận và sống trong ngôi nhà chính của gia đình Tsukamoto để đổi lấy việc sẽ trông nom và quản lý nông trại.

Hai trong số những người hàng xóm của Bob Fletcher là Okamotos và Nittas cũng đang tìm kiếm một người quản lý trang trại của họ trong khi họ bị giam giữ. Khi ấy, Bob Fletcher cũng đang sở hữu một trang trại trồng đào và quả óc chó, và không có chút kinh nghiệm trồng nho Tokay, là loại cây trồng chủ yếu của ba trang trại nhà Okamotos, Nittas và Tsukamoto

Bob Fletcher cảm thấy thực sự lo lắng cho những gia đình phong nha như Okamotos, Nittas và Tsukamotocó có thể mất nông trại, vì vậy anh đã nhận lời đồng ý tiếp quản nông trại cho họ. Nhận lãnh trách nhiệm này cũng đồng nghĩa Fletcher không chỉ phải từ bỏ công việc của một công chức cổ cồn nhàn nhã để nhận công việc lam lũ của một người nông dân chính hiệu, mà anh còn phải đối mặt với sự “kỳ thị” người Nhật đang dâng cao trong cộng đồng người Mỹ khi ấy. Những mất mát đau thương quá lớn về con số binh sĩ Mỹ tử nạn trong trận Trân Châu Cảng đã khiến người Mỹ bấy giờ coi người Nhật như kẻ thù. 

Người Mỹ gốc Nhật ở Salinas, California, đang chờ chuyển đến trại thực tập.

Ngoài việc làm cật lực trung bình 18 giờ mỗi ngày trên 100 mẫu đất trong ba nông trại chăm sóc nho Tokay, dâu tây, mâm xôi và ôliu..., Bob Fletcher còn phải chịu đựng sự phản đối của những người hàng xóm quanh mình, nhiều người trong số đó gọi anh là “Người yêu Jap” - người đang giúp đỡ và ủng hộ Nhật Bản. Thậm chí có ai đó đã bắn súng vào trang trại của Tsukamoto trong lúc Bob Fletcher đang làm việc tại đó. 

Nhưng không vì thế Bob Fletcher nản lòng, anh vẫn cương quyết trông giữ các nông trại cho đến khi Thế chiến Thứ hai kết thúc, khi các trại tập trung đóng cửa và các gia đình người Mỹ gốc Nhật được trở về nhà. Hạt Sacramento là nơi có 3.000 người Mỹ gốc Nhật lập nghiệp tại đây trước chiến tranh, nhưng chỉ có khoảng 400 người trở về sống ở đó sau chiến tranh. Số còn lại không bao giờ trở về vì nhà cửa và trang trại của họ đã bị triệt thu từ các khoản thuế không nộp trong khi họ sống ở các trại tập trung. 

Khi Nittas, Okamotos và Tsukamotos quay trở lại thị trấn Florin, họ cũng lo lắng không biết điều gì sẽ chờ đón họ. Nhưng điều khiến họ vô cùng sửng sốt là nhà cửa và trang trại của họ vẫn còn nguyên vẹn. Không những thế, vụ mùa dưới bàn tay chăm sóc của Bob Fletcher vô cùng tươi tốt. Lúc này, Bob Fletcher vừa mới kết hôn với Teresa - người cũng đang chung sức cùng anh hỗ trợ công việc đồng áng. 

Điều khiến họ ngạc nhiên hơn nữa là ngay cả sau khi kết hôn, vợ chồng Bob Fletchers cũng không chuyển vào căn nhà rộng rãi tiện nghi của Tsukamotos để ở, mà vẫn trú ngụ ở cái nhà kho như là một cách tôn trọng chủ sở hữu hợp pháp. Bất ngờ hơn nữa, báo cáo tài chính cho thấy cả ba chủ sở hữu nông trại đều có tiền trong tài khoản ngân hàng. 

Theo thỏa thuận trước đó của chủ ba trang trại với Fletcher, anh sẽ được hưởng toàn bộ khoản lợi nhuận từ việc quản lý trang trại. Nhưng trừ các khoản chi trả thế chấp và thuế…  Fletcher chỉ lấy một nửa khoản lợi nhuận, nửa còn lại anh gửi vào ngân hàng sinh lãi để cho các gia đình người Nhật khi trở về có nguồn vốn để khởi động lại cuộc sống. 

Thời đầu khi các gia đình Nhật trở về trang trại của họ, các chủ cửa hàng nông sản trong thị trấn đã từ chối nhập hàng của họ, và Fletchers đã phải mua hàng cho họ. Cuối cùng Bob Fletchers cũng mua được một trang trại cho riêng mình, trồng cỏ và chăn nuôi gia súc. 

Trang trại dâu của nông dân người Mỹ gốc Nhật. Ảnh chụp tại thời điểm cách vài ngày so với ngày sơ tán người gốc Nhật đến các trại tập trung.
Trang trại dâu của nông dân người Mỹ gốc Nhật. Ảnh chụp trước vài ngày so với thời điểm sơ tán người Nhật đến các trại tập trung. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Ông dành 20 năm làm tình nguyện cho Sở Cứu hỏa Florin và nghỉ hưu sau 12 năm trong cương vị Giám đốc Sở cứu hỏa. Ông đã giúp phát triển thị trấn Florin và là thành viên hội đồng quản trị trong suốt 50 năm. Ông cũng là thành viên tích cực của Tổ chức xã hội lịch sử địa phương và hiến tặng đất cho một trung tâm cộng đồng.

Ngày 26/7/2011, ngày sinh nhật thứ 100 của Fletcher, ngoài gia đình ông, còn có khá nhiều con cháu thuộc thế hệ ba gia đình người Mỹ gốc Nhật và khoảng 150 người bao gồm giới truyền thông đã chung vui cùng ông. Doris Taketa, 81 tuổi, là con gái của một trong ba chủ nông trại khi xưa phát biểu: "Chúng tôi nợ ông tất cả mọi thứ”. 

Khi gia đình cô chuyển tới trại tập trung ở Jerome (bang Arkansas), lúc đó Doris Taketa mới 12 tuổi: "Gia đình tôi có 40 mẫu nho Tokay và chúng tôi sẽ không còn nơi tá túc nếu Bob không quan tâm đến nó" Taketa nói. Gia đình chồng của Taketa đã mất trang trại sau khi họ bị đưa đến trại giam ở Manzanar (bang California).

Câu chuyện truyền cảm hứng của ông đã được ghi lại trong nhiều cuốn sách lịch sử, trong đó có cuốn “We the People: A Story of Internment in America” của đồng tác giả Elizabeth Pinkerton và Mary Tsukamoto - là con gái của chủ trang trại Al Tsukamoto. "Ít người vào thời điểm ấy đủ can đảm để làm được những việc nhân nghĩa như Bob đã làm. Bất cứ khi nào bạn hỏi ông ấy về điều đó, ông ấy chỉ nói, 'Đó là điều đúng đắn để làm”. 

Sự can đảm, đạo đức và lòng vị tha của Fletcher đã được “thử lửa” trong thời điểm chính trị khá nhạy cảm lúc bấy giờ, khi ông dám biểu thị sự cảm thông với những người Mỹ gốc Nhật, đồng thời phải chịu đựng những lời chỉ trích gay gắt và chế nhạo từ cộng đồng những người bản xứ da trắng.

Khi được các phóng viên hỏi tại bữa tiệc sinh nhật lần thứ 100, rằng tại sao ông lại làm những việc đó, Fletcher trả lời đơn giản: “Họ giống như mọi người khác và không liên quan đến những người đã gây tổn thất tại Trân Châu Cảng.”  Khi đề cập đến việc làm thế nào ông chịu được áp lực vào thời điểm ấy,  Fletcher trả lời: “Đó không phải vấn đề lớn. Tôi có thể chịu đựng được!”. 

“Người anh hùng” Robert Emmett Fletcher Jr. qua đời ngày 23/5/2012 thọ 101 tuổi. Để ghi nhận những việc làm nhân nghĩa của ông, hạt Sacramento (bang California) đã tuyên bố ngày 26/7 hằng năm là Ngày Bob Fletcher, để tôn vinh chuẩn mực đạo đức trung thực và sự quên mình vì tha nhân.

Xuân Trường thực hiện

(https://www.ntdvn.com/the-gioi/nuoc-my-vi-dai-bai-4-su-nhan-ai-da-thay-doi-so-phan-cua-nhieu-nguoi-9003.html )


No comments:

Post a Comment