Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman tuyên bố, “‘Black Lives Matter’
là một khẩu hiệu phân biệt chủng tộc bởi vì cuộc sống của tất cả mọi
người đều quan trọng [chứ không chỉ riêng người da màu]”, trong một bài
phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Độc lập Hoa Kỳ tại Đại sứ quán Mỹ ở Prague
hôm 30/6, theo The Epoch Times.
“Tôi ở đây không chỉ với tư cách một công dân độc lập, tôi còn ở đây
trong tư cách một người bạn của nước Mỹ. … Ở trong cả hai vai trò, tôi
cho rằng Black Lives Matter là một khẩu hiệu phân biệt chủng tộc bởi vì
cuộc sống của tất cả mọi người đều quan trọng [chứ không chỉ riêng người
da màu]”, ông Zeman nói tại lễ kỷ niệm.
Black Lives Matter (Người da đen đáng được sống) là phong trào với bề
mặt là đòi quyền lợi cho người da đen. Phong trào này nổi lên trong các
cuộc biểu tình tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George
Floyd sau khi bị một cảnh sát da trắng ngộ sát trong quá trình bắt giữ.
“Chúng tôi kỷ niệm sự độc lập của các công dân, của đức tin và của các quốc gia”, ông nói.
Ông nhận định sự độc lập của công dân đang bị tấn công ở cả Cộng hòa
Séc và Mỹ. “Nguy hiểm này không thể bị bỏ qua. Và chúng ta phải đối diện
với nó”, ông nói thêm khi đề cập các cuộc biểu tình bạo loạn trên đường
phố gần đây, hành vi giật đổ tượng đài và thiệu rụi phương tiện công
cộng diễn ra ở cả hai nước.
Một số người tham gia vào các sự kiện này tuyên bố họ là “những người
định hướng giá trị, hay thậm chí là những người lãnh đạo quan điểm”,
ông Zeman nói.
“Chúng ta cần khả năng suy nghĩ tự do, chúng tôi cần những điều hợp
lý cơ bản”, vị tổng thống nói, “chúng ta không cần bất kỳ ông lớn nào đó
bảo cho chúng ta biết các giá trị đó là gì”, hay “bất kỳ nhà lãnh đạo
quan điểm mới nào đó”. Zeman cho biết ông duy trì các giá trị và quan
điểm truyền thống được cha mẹ truyền lại.
Phong trào Black Lives
Matter gần đây đã trở thành một thế lực có sức ảnh hưởng lớn trên chính
trường Mỹ, khi nó đạt được một số lượng người ủng hộ nhất định theo sau
tuyên bố cho rằng cộng đồng người da đen là nạn nhân đang bị nhắm mục
tiêu một cách có hệ thống.
Phong trào cánh tả cực đoan, vốn kêu gọi cắt ngân sách cảnh sát và
cung cấp cho người da đen “sự bồi thường” vì tổ tiên của họ đã bị bắt
làm nô lệ trước cuộc Nội chiến Mỹ, đã giành được sự tôn trọng từ lưỡng
đảng, mặc dù các nhà lập pháp đảng Dân chủ ủng hộ nhiều hơn so với đảng
Cộng hòa.
Tổ chức Black Lives Matter toàn cầu (Black Lives Matter Global
Network), được thành lập năm 2013 để phản đối việc tòa án tha bổng
George Zimmerman – một nhân viên dân phố tự quản da trắng – trong vụ bắn
chết chàng thanh niên da màu Trayvon Martin, hiện có một mạng lưới phủ
khắp toàn cầu gồm hơn 40 chi nhánh, với sứ mệnh “xóa bỏ chủ nghĩa da
trắng thượng đẳng và quy tụ sức mạnh địa phương để can thiệp chống lại
nạn bạo lực đối với cộng đồng người da đen gây ra bởi chính phủ và các
thành viên đội dân phòng các nơi”, theo thông tin trên trang web của
Black Live Matters.
Các nhà hoạt động của Black Lives Matter đang đẩy mạnh việc cắt ngân
sách các sở cảnh sát trên khắp nước Mỹ, một số nói họ muốn các sở cảnh
sát bị giải tán, một tình huống đang diễn ra ở thành phố Minneapolis,
nơi xảy ra vụ ngộ sát ban đầu.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phong trào này đã từ chối lên án các vụ
bạo loạn và cướp bóc, đang xảy ra song song với các cuộc biểu tình ôn
hòa chỉ trích sự tàn bạo của cảnh sát và sự bất bình đẳng sắc tộc.
Hawk Newsome, người lãnh đạo Black Lives Matter khu vực New York, đã
thu hút sự chỉ trích, kể cả từ Tổng thống Trump, sau khi đưa ra tuyên bố
rằng, “nếu quốc gia này không đáp ứng những gì chúng tôi muốn, chúng
tôi sẽ thiêu rụi chế độ này và thay thế nó”. Trên Twitter cá nhân, ông
Trump cho rằng đây là một tuyên bố mang tính “Phản quốc, Nổi loạn, Lật
đổ”.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Patrisse Cullors – đồng sáng lập
Black Live Matters – đã tiết lộ cô và những sáng lập viên khác của nó
đều là “những người theo chủ nghĩa Mác được đào tạo bài bản”, và khá
“thành thạo về các lý thuyết xoay quanh ý thức hệ”.
Khi bức tượng các danh nhân lịch sử nước Mỹ, bao gồm cả các cựu tổng
thống Mỹ, đang bị tấn công phá hoại trên toàn quốc, các nhà hoạt động
của Black Lives Matter gần đây đang bắt đầu nhắm vào Kitô giáo. Các nhà
thờ lịch sử đang bị hủy hoại khi một số kẻ kêu gọi phá hủy các bức tượng
của Chúa Giê-su, vì cho rằng Chúa Giê-su đại diện cho thứ quyền lực da
trắng thượng đẳng.
Tổng thống Trump hôm 26/6 đã ký một sắc lệnh hành pháp để bảo vệ các
di tích, đài tưởng niệm và các bức tượng của Mỹ trước nguy cơ bị những
người biểu tình bạo lực phá hoại.
Ông Trump tuyên bố sẽ không cho phép đám đông biểu tình cực đoan phá
hủy các bức tượng của Chúa Jesus và các bức tượng của những người lập
quốc.
“Chừng nào tôi còn ở đây thì việc này không xảy ra”, ông Trump tuyên
bố hôm 24/6. “Tôi nghĩ rằng nhiều người đang đánh sập những bức tượng
này, thậm chí còn không biết bức tượng đó là gì và có ý nghĩa ra sao”.
Viet Light
(exodusforvietnam.wordpress)
No comments:
Post a Comment