Thursday, July 9, 2020

Nước Mỹ, một sinh nhật buồn!

Ngày Lễ Độc Lập July 4th năm nay đã trôi qua, pháo hoa đã tàn từ lâu, rượu đã cạn, nhưng một nỗi buồn cứ dai dẳng. Chưa năm nào mà ngày độc lập của nước Mỹ lại trầm lắng như năm nay, dù trong dịp cuối tuần dài thời tiết trên cả nước khá đẹp, giá xăng lại rẻ, khích lệ những chuyến viễn du, những cuộc tụ tập thân nhân, bạn bè quanh năm xa cách không có dịp chén anh chén chú.
   Nhưng năm nay, hầu như rất ít người đi chơi xa, một phần do biện pháp “ở yên trong nhà” (shelter in place, SIP) được thực thi ở hầu hết các thành phố, phần do sợ nhiễm COVID-19, và cũng có phần do tâm trạng “buồn nhiều hơn vui” trước cuộc sống ngày càng bất ổn và tương lai ngày càng bất định.
Năm 2020 bắt đầu khi cuộc sống ở nước Mỹ diễn ra bình thường như vốn có ở một đất nước thanh bình, thịnh vượng, nhưng năm nay vẻ bình thường đó ẩn giấu những cơn bão không ai ngờ tới.
COVID-19 vô hình vô ảnh xuất phát từ bên kia Thái Bình Dương bất ngờ ập đến, làm đảo lộn mọi tính toán. Lúc đầu, nhiều người vẫn nghĩ đây chẳng qua chỉ là một dịch bệnh như bao nhiêu dịch bệnh khác vẫn đến rồi đi hoặc được kiểm soát chặt: Dịch cúm mùa, HIV/AIDS, Ebola v.v… Nhưng rồi số người nhiễm bệnh, số người chết tăng dần trên các bản tin làm mọi người lo lắng.
Đến giữa Tháng Hai, thị trường chứng khoán bắt đầu đảo chiều, chỉ trong vài phiên giao dịch mà xóa sạch thành quả của cả năm trước thì nỗi lo lắng trở thành hoảng hốt, người ta chen chúc nhau ở các siêu thị vơ vét gạo, nước, giấy vệ sinh, cứ như ngày tận thế đã đến gần – chuyện gần như không bao giờ thấy ở một đất nước phồn thịnh như nước Mỹ.
Không ai bảo ai, mọi người nhìn về New York với nỗi khiếp đảm: Chỉ trong một thời gian rất ngắn, một thành phố giàu sang hàng đầu thế giới bỗng rơi xuống tận đáy, người bệnh nằm tràn lan trong hành lang bệnh viện, xác người nhiều đến mức không hỏa táng kịp, phải giữ tạm trong các thùng xe đông lạnh đậu trên đường phố!
Sang Tháng Ba, lệnh SIP ban ra, mọi người phải ở yên trong nhà, công xưởng, trường học, hàng quán đóng cửa… thì bóng ma thất nghiệp, kinh tế suy thoái bắt đầu hiển hiện. Chỉ trong thời gian ngắn, số người mất việc tăng vọt lên 30 triệu, rồi 40 triệu – các gia đình quen sống giật gấu vá vai, “paycheck to paycheck,” bỗng rơi vào cảnh khốn cùng. Ở các điểm phát thực phẩm miễn phí, người xếp hàng có khi dài vài dặm, mỗi lần đi nhận thực phẩm phải mất không dưới 3 tiếng đồng hồ vì quá đông người cần thực phẩm.
Cuối Tháng Năm tình hình có vẻ bớt căng thẳng, một số thành phố bắt đầu nới lỏng lệnh SIP, cho phép nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại với những biện pháp giữ an toàn cần thiết. Nhưng rồi lại xảy ra vụ cảnh sát kẹp cổ đến chết anh da màu George Floyd, mở đầu cuộc đấu tranh đòi bình đẳng sắc tộc, chống sự bạo hành của cảnh sát.
Sắc tộc là điểm nhạy cảm của xã hội Mỹ, của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, nơi có 350 triệu người thuộc mọi chủng tộc, tiếng nói, và màu da cùng chung sống mấy trăm năm nay. Ông bà mình nói, chén bát trong chạn còn va chạm nhau huống chi là con người, sự va chạm về chủng tộc trong xã hội là không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong một đất nước hình thành từ các cộng đồng di dân như nước Mỹ.
Va chạm sắc tộc, lại được những nỗi ẩn ức bị dồn nén trong thời dịch bệnh thúc đẩy, làm những cuộc biểu tình nổ ra theo dây chuyền, từ giữa lan sang miền Đông, miền Tây, ra cả nước ngoài, ở đâu cũng thấy khẩu hiệu “Black Lives Matter” (BLM).
Sẽ không có gì đáng nói nếu cuộc biểu tình ôn hòa dẫn tới những sự thay đổi về pháp lý và đạo đức trong xã hội, người da màu được tôn trọng hơn, bình đẳng hơn như những cuộc đấu tranh từng có trong lịch sử do những người như Mục Sư Martin Luther King dẫn dắt. Nhưng lần này, dường như đã có gì đó càng lúc càng không ổn, càng bị chính trị hóa và xa rời mục tiêu ban đầu.
Từ sự phản đối việc sử dụng vũ lực quá đáng của cảnh sát, người ta đòi giải tán cả lực lượng cảnh sát, lập ra những “khu tự trị vô chính phủ,” tôn vinh như anh hùng một người vốn có cuộc sống không lấy gì làm gương mẫu mà chỉ là nạn nhân của nạn bạo hành. Từ việc đòi quyền bình đẳng, người ta tiến tới xét lại lịch sử – không phải đánh giá lịch sử bằng tri thức của nhà chuyên môn mà bằng cảm xúc của đám đông đang phẫn nộ, lấy những thông lệ của hôm nay để phán xét hành động của những nhân vật đã thành danh vài trăm năm trước – bắt đầu phá hủy hoặc giật sập các tượng đài, từ tượng của các nhà thám hiểm như Christopher Columbus, các nhà truyền giáo, các tướng lĩnh của phe ly khai Confederate trong cuộc Nội Chiến Mỹ, cho đến các “Quốc Phụ” như George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln… Đến khi người ta đòi phá hủy tượng Chúa Jesus vì cho rằng Chúa không phải là người da trắng thì sự ngu dốt và hung bạo đã đi quá giới hạn, trở thành phản tác dụng.
Đã lâu lắm nước Mỹ mới lộn xộn như thế.
Chỉ mới ba tháng mà dịch bệnh, thất nghiệp, phong tỏa, hỗn loạn chính trị… dồn dập xảy ra, gây căng thẳng (stress) cho tất cả mọi người. Không còn bình an nữa, trong xã hội cũng như trong tâm lý con người. Một sáng thức dậy, bỗng dưng nhận ra nếp sống thường ngày của chúng ta bị đảo lộn, hiểu biết của chúng ta bỗng trở thành hư vô, cái đúng và cái sai lẫn lộn vào nhau khó mà phân định được.
“Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền bất khả xâm phạm, quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc” – chân lý bất hủ của Tuyên Ngôn Độc Lập thì gần như ai cũng thuộc lòng. Thế nhưng, người viết ra tuyên ngôn vĩ đại đó, Thomas Jefferson, lại là một chủ nô sở hữu tới 600 nô lệ da đen, ăn nằm và có con với họ mà đến phút cuối đời vẫn không chịu “giải phóng” cho họ để họ có “quyền bình đẳng” của con người. Thay vì trả tự do ông bán họ lấy tiền trả nợ! Tư tưởng “bình đẳng” của Jefferson mở đầu cho một bước ngoặc lớn trong lịch sử, không chỉ lịch sử Mỹ mà cả lịch sử thế giới, nhưng con người “chủ nô” của Jefferson lại là một vết hoen ố khó biện minh được. Tôn vinh ông hay hạ bệ ông, dễ gì tách bạch ra được.
Tương tự như vậy, nhiều vấn đề của hiện tại cũng gặp phải sự phân cực gay gắt, phân cực giữa Dân Chủ và Cộng Hòa, giữa tả và hữu, giữa cấp tiến và bảo thủ, giữa lớp già và lớp trẻ… làm cho mọi chuyện cứ rối tinh lên. Mở cửa để khôi phục kinh tế hay tiếp tục “lock-down” để chống dịch bảo vệ sinh mệnh người dân? Chính phủ có nên tiếp tục cấp tiền cho người dân để giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn hiện nay không? Nên, bởi vì nhiều gia đình rất khốn khổ do dịch bệnh, do thất nghiệp. Không nên, vì như thế sẽ phải tăng thuế, dồn gánh nặng cho lớp người sau!
Dịch bệnh hoành hành ở Mỹ do đâu? Do văn hóa đề cao tự do cá nhân của người Mỹ hay do sự kém cỏi của bộ máy cầm quyền? Sự phân cực len lỏi vào từng cộng đồng, từng gia đình. Có bao nhiêu bữa cơm bị nguội lạnh vì cha mẹ và con cái không đồng ý với nhau, bạn bè quay lưng vào nhau chỉ vì khác ý kiến!
Chưa bao giờ nước Mỹ bị phân cực gay gắt như lúc này!
Và cũng chưa bao giờ người Mỹ tức giận như lúc này. Theo một khảo sát của Pew Research, 71% số người Mỹ tức giận với hiện tình của đất nước, 66% lo sợ, và chỉ có 17% vẫn tự hào về nước Mỹ.
Họ tức giận và lo sợ vì một sáng thức dậy, họ phát hiện ra với sổ thông hành Mỹ, họ không còn được tự do đi tới Châu Âu và tất cả các nước khác. Láng giềng thân thiết như Mexico và Canada, đồng minh tin cậy như Anh… đều đóng cửa, không cho phép người Mỹ vào nước họ trừ số ít trường hợp đặc biệt.
Họ tức giận vì vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế rơi xuống mức thấp chưa từng thấy. Các cường quốc độc tài như Nga và Trung Quốc hầu như không còn đếm xỉa tới Mỹ mà cứ làm những gì Moscow và Bắc Kinh muốn, mặc cho Washington kêu gào phản đối. Hồng Kông là một ví dụ, Mỹ phản đối, ra luật cấm vận, nhưng Trung Quốc cứ ban hành luật an ninh quốc gia, xé bỏ hiệp định cam kết 50 năm “nhất quốc lưỡng chế,” ký với Anh năm 1984.
Ngay cả những “tiểu quốc” như Iran, Bắc Hàn bây giờ cũng chẳng còn e ngại Mỹ. Tehran thản nhiên cho tàu chở dầu sang viện trợ cho Venezuela, còn ra trát đòi bắt giam Tổng Thống Donald Trump vì tội giết chết Tướng Iran Qasem Soleimani, Bắc Hàn sổ toẹt yêu cầu đàm phán của Mỹ khi đặc phái viên của Washington đã đặt chân tới Nam Hàn…
Đối thủ là vậy, các đồng minh cũng không còn mặn mòi với một nước Mỹ sớm nắng chiều mưa, chỉ quan tâm tới quyền lợi của chính mình mà nhiều lúc đẩy đồng minh vào thế khó xử. Đại dịch COVID-19 làm lộ ra một phần mối quan hệ không còn đằm thắm giữa Mỹ và các đồng minh Châu Âu khi Mỹ bỏ mặc Châu Âu xoay xở trong cơn hoạn nạn rồi còn đơn phương cấm công dân Châu Âu nhập cảnh mà không thèm trao đổi trước với lãnh đạo các nước châu lục này. Vụ Châu Âu không cấm cửa công ty Huawei của Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ, mới đây lại cấm công dân Mỹ nhập cảnh… là những dấu hiệu cho thấy có bất ổn trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương mà Bắc Kinh nhanh chóng nhận ra và đang cố khai thác.
Trên thế giới, nước Mỹ chưa bao giờ cô độc như thế này!
Đa số người Mỹ tức giận và lo âu cho đất nước, cho cuộc sống của chính họ, nhưng hãy còn quá sớm để bi quan về tương lai nước Mỹ. Với ưu thế của một nền dân chủ, người Mỹ nhanh chóng nhận ra sai lầm và sửa chữa. Bằng lá phiếu. Bằng những cuộc vận động xã hội làm rung chuyển các thành phố. Bằng trách nhiệm công dân của từng người.
Bệnh dịch rồi cũng sẽ qua. Công xưởng rồi sẽ hoạt động. Công việc làm rồi sẽ có lại. Các liên minh rồi sẽ được củng cố lại. Nước Mỹ với nền tảng vững chắc về chính trị, kinh tế, quân sự sẽ lừng lững đi tới, vượt qua những khó khăn tạm thời để kiến tạo một xã hội bình đẳng hơn, giàu mạnh hơn, đó là điều chắc chắn.
Giữa một thế giới ngày càng ngả sang hướng độc tài chuyên chế, người Mỹ không thể đánh mất vai trò là ngọn hải đăng của dân chủ, tự do trong thế kỷ 21. Ngày Độc Lập năm nay tuy trầm lắng nhưng thực sự là lời nhắc nhở mọi người Mỹ, dù màu da sắc tóc có khác nhau, hãy nỗ lực dọn dẹp những lộn xộn trong nhà và đấu tranh cho một thế giới tự do, như sứ mệnh từ trước đến nay của nước Mỹ. [đ.d.]

Hiếu Chân
(Người Việt)

No comments:

Post a Comment