Chế độ Cộng sản sụp đổ, Quân đội và An ninh bắn nhau, Tổng bí thư bị xử tử
Tổng bí thư đảng Cộng sản bị Tòa án binh tuyên án xử tử hình ngay lập tức vì tội đàn áp nhân dânSau một loạt cuộc cách mạng nhung, hòa bình ở Trung và Đông Âu năm 1989, cuộc cách mạng ở Rumani đã diễn ra đầy bạo lực và đẫm máu, làm hàng nghìn người chết.
Vào năm 1989, mâu thuẫn giữa những nhóm được hưởng đặc quyền, đặc lợi xung quanh Tổng bí thư Đảng Cộng sản Rumani, Chủ tịch nước CHXHCN Rumani Nicolae Ceaussescu và dân thường Rumani ngày càng trở nên gay gắt. Ceausescu cùng tay chân đã sử dụng quyền lực của mình để tham nhũng, làm giàu cá nhân, sống ở trong các lâu đài, biệt thự và nơi nghỉ dưỡng như vua chúa thời Trung cổ. Trong khi đó, mức sống của dân chúng bị tụt xuống dưới mức tối thiểu. Đã liên tục trong 7 mùa đông, thực phẩm và điện được phân chia theo khẩu phần, người Rumani phải chịu đói, chịu rét. Các căn hộ cá nhân chỉ được phép sưởi 4 giờ một ngày, theo Sắc lệnh của Ceausescu, trong mùa đông này, mỗi người Rumani chỉ được ăn mỗi ngày 300 gram bánh mỳ cũng như mỗi tháng nửa cân thịt, 200 gram pho mát, một nửa lít dầu ăn, một cân đường, năm quả trứng và 100 gram bơ. Nhưng nhiều nơi cũng không đủ số khẩu phần ít ỏi này.
Để bảo vệ chế độ của mình, chính quyền Ceausesco đã xây dựng một mạng lưới gián điệp, chỉ điểm của cơ quan an ninh Securitate tai tiếng dầy đặc khắp trong nước. Mọi sự đối lập dù là nhỏ nhất đều bị đàn áp, mọi sự phản kháng đều bị bẻ gẫy bằng các phương tiện tàn bạo nhất. Hàng trăm người được cho là thù địch với chính quyền bị bắt giam hoặc biến mất không để lại dấu vết.
Nicolae Ceausescu cũng là người kịch liệt phản đối chính sách cải tổ và minh bạch do Michail Gorbatschow đề ra.
Cuộc nổi dậy bắt đầu ở Timisoara, thành phố lớn thứ hai ở Rumani với những dân tộc thiểu số như người Hungari, người Đức. Ông Laszlo Tökes, mục sư của Nhà thờ Hungari cải cách khi giảng đạo đã dám chỉ trích sự phân biệt đối xử đối với người thiểu số Hungari, về nạn nghèo đói, về kế hoạch cải cách nông thôn của Ceausescu mà hàng ngàn làng mạc sẽ trở thành nạn nhân và biến mất. Giám mục Laszlo Papp đã đưa ra một tối hậu thư, yêu cầu mục sư Tökes phải chuyển tới một ngôi làng hẻo lánh ở vùng Siebenbürgen trước ngày 15/12/1989. Ông Tökes không muốn đi. Đúng ngày 15/12, hơn 1000 con chiên đã kéo tới, tụ tập xung quanh nhà thờ và nhà ở của ông mục sư để bảo vệ ông, họ châm nến, hát các bài thánh ca trước mắt lực lượng an ninh Securitate. Bất chấp việc cảnh sát dùng dùi cui đánh đập, đàn áp, khoảng 150 người vẫn ở lại để gác trong đêm.
Sáng hôm sau, thêm nhiều người kéo tới, không chỉ người thiểu số Hungari, mà cả người Rumani, người Đức, người Serbia. Giờ đây, họ cùng nhau hát vang bài hát cách mạng năm 1848, khi đó bị cấm là: „Rumani, hãy thức tỉnh!“. Giờ đây, bài hát này đã trở thành quốc ca Rumani. Đám đông tuần hành tới Quảng trường nhà hát ở trung tâm thành phố và hô vang „Đả đảo Ceausescu!“. Buổi tối, sau giờ làm, thêm nhiều công nhân kéo tới. Đám đông phá cửa hiệu sách, phá hủy các cuốn sách của Ceausescu.
Đến đêm, xe vòi rồng kéo tới. Lực lượng biên phòng và an ninh săn đuổi những người biểu tình, đánh đập họ và bắt đi hàng trăm người. Cha Tökes bị lôi ra khỏi nhà thờ, đánh đập và đưa tới Siebenbürgen. Sáng ra, mọi việc trở lại yên tĩnh.
Nhưng đây chỉ là sự yên tĩnh trước cơn bão. Bởi vì hôm đó là Chủ nhật, ngày đi lễ mà giáo dân Timisoaras không thấy mục sư. Họ sợ rằng cha đã bị chết nên kéo tới chiếm trụ sở trung ương đảng Cộng sản. Lính biên phòng bắn vào đám đông. Ít nhất có 50 người bị chết, trong đó có hai đứa trẻ là con công nhân. Công nhân liền tiến hành bãi công đòi công bố tên tuổi của những người nổ súng vào những người biểu tình. Xe tăng được điều động tới nơi, tình hình trở nên căng thẳng. Hai hôm sau, Thủ tướng Constantin Dascalescu tới, muốn điều đình, nhưng bất thành và ông phải chạy trốn qua cổng hậu của trụ sở trung ương đảng bị chiếm.
Như vậy, sự việc đã bùng nổ. Hôm sau, khi diễn ra cuộc biểu tình lớn chưa từng có ở thành phố Timisoara thì quân đội không can thiệp: Một cảnh thanh bình đã diễn ra, những người biểu tình có thể leo lên xe tăng, nhưng cô gái trẻ mang hoa tặng anh em binh lính.
Bầu không khí sôi sục lan ra cả nước. Ngày 22/12, Ceausescu tìm cách cứu nguy cho tình cảnh của mình, nên đã triệu tập một cuộc mít tinh lớn trước trụ sở BCH Trung ương đảng. Phát biểu tại đây, ông hứa hẹn cải thiện điều kiện sống của nhân dân đang đói khổ. Lần đầu tiên trong đời, ông bị đám đông la ó, huýt sáo đuổi xuống. Lực lượng an ninh đã nổ súng vào đám đông, nhưng quân đội dưới quyền Bộ trưởng Quốc phòng Vasile Milea đã từ chối không chịu bắn vào những người phản đối Ceausescu. Cuộc mít tinh được truyền trực tiếp trên truyền hình nhằm thể hiện quyền lực của Ceausescu, nhưng nó đã cho thấy ông bất lực. Sau đó, người ta phát hiện Bộ trưởng Quốc phòng Vasile Milea bị chết. Mặc dù chính quyền nói rằng ông Milea đã tự tử, nhưng các tướng lĩnh tin rằng ông đã bị bắn chết vì không chịu đàn áp nhân dân.
Hoảng loạn, hai vợ chồng Ceausescu chạy trốn bằng máy bay lên thẳng. Cảnh chạy trốn đã được chiếu trực tiếp trên truyền hình. Nhưng thực ra, các phi công đã liên kết với những người cách mạng, nên họ giao hai người cho quân đội. Hai vợ chồng Ceausescu bị đưa tới trại lính Tirgoviste ở ngoại ô Bukarest. Nhằm thủ tiêu sự chống trả của lực lượng an ninh trung thành, muốn bảo vệ hoặc giải cứu ông, một Tòa án binh đã được lập ra để xét xử nhanh vào ngày 25/12/1989 với tuyên án xử tử và ngay sau đó hai người đã bị xử bắn. Ba lính dù được chọn vào đội hành quyết và mỗi người đã bắn 30 viên đạn vào vợ chồng Ceausescu. Trước khi bị bắn, ông Ceausescu còn hô to: „Những kẻ phản bội sẽ chết, lịch sử sẽ báo thù cho chúng tôi“ và ông hát Quốc tế ca. Vài tháng sau, vị quan tòa xét xử hôm đó là Gica Popa đã tự tử.
Sau những ngày hỗn loạn. „Mặt trận cứu nguy dân tộc“ của Ion Iliescu đã nắm lấy quyền lực.
Theo Iliescu, Ceausescu đã bị cuộc nổi dậy của nhân dân lật đổ. Nhưng người ta cho rằng có một lực lượng bí mật giật dây phía sau, bởi vì khi đó ở Rumani không có lực lượng đối lập đủ khả năng tổ chức một cuộc cách mạng.
Iliescu bị chỉ trích cố tình gây ra hỗn loạn để biện hộ cho việc tiếp quản quyền lực của mình. Khi đó, ông ta thường nói tới „những tên khủng bố“ chiến đấu cho Ceausescu, nhưng theo Công tố viên quân sự Dan Voinea, người giữ quyền công tố trong phiên tòa xử Ceausescu thì hoàn toàn không có „những tên khủng bố“. Theo sự điều tra của ông, trong 6 thành phố Rumani khi đó chỉ có binh sĩ Rumani nổ súng theo những mệnh lệnh mâu thuẫn với nhau. Ngày 22/12/1989, nhà thơ Mircea Dinescu, bị quản thúc tại gia và cấm viết do những bài viết phê phán chính quyền đã đứng trước máy quay, tuyên bố tên độc tài Ceausescu đã bị lật đổ, đúng một tuần sau khi bắt đầu cuộc nổi dậy.
Tuy nhiên, tình hình vẫn hỗn loạn nhiều ngày sau đó, khi lực lượng an ninh và quân đội dàn trận bắn nhau làm nhiều dân thường bị chết. Trên thực tế, số nạn nhân bị chết nhiều nhất lại xảy ra sau khi Ceausescu bị truất quyền. Tổng cộng có 1104 người bị chết, trong đó có 942 người bị chết sau khi Ceausescu trốn chạy ngày 22/12/1989.
Việc thay đổi chế độ ở Rumani năm 1989 đã đi vào lịch sử với tư cách là cuộc cách mạng đẫm máu nhất trong các cuộc cách mạng Nhung ở Trung và Đông Âu. Đây cũng là sự thay đổi chế độ duy nhất ở châu Âu năm 1989 mà người cầm đầu chính quyền cũ là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Rumani, Chủ tịch nước CHXHCN Rumani Nicolae Ceaussescu và vợ đã bị xử bắn ngay sau một phiên tòa được dàn dựng chớp nhoáng.
Lê Anh – Thoibao.de
***
No comments:
Post a Comment